Xã hội ngày phát triển, cuộc sống sung túc và bận rộn, thế hệ trẻ cũng có nhiều mối quan tâm hơn dẫn đến sự thay đổi trong văn hóa của người dân Việt Nam. Trung thu cũng nằm trong số đó, cùng Treegift tìm hiểu những nét khác nhau giữa trung thu xưa và nay nhé.
Bánh trung thu đã thay đổi thế nào?
Ngày xưa: Nhắc tới bánh trung thu là nhắc tới bánh nướng, bánh dẻo được làm kỳ công, tỉ mỉ. Nhân bánh truyền thống là kết tinh của nhiều loại nguyên liệu khác nhau: Mỡ đường, lạp xưởng, hạt điều, hạt bí, hạt dưa, vừng, mứt cam, mứt sen, chà bông, lá chanh. Mỗi nguyên liệu đều có vai trò riêng, tạo nên độ béo ngậy cùng hương thơm đặc trưng cho chiếc bánh.
Đặc biệt, nhân bánh không thể thiếu loại nước sốt trứ danh được pha chế công phu, gồm: Đường bánh dẻo, dầu hào, xì dầu cua, rượu mai quế lộ.
(Nguồn tham khảo: https://www.doisongphapluat.com/banh-trung-thu-co-truyen-hoai-niem-huong-vi-xua-vang-bong-mot-thoi-a340301.html)
Ngày nay: Ngoài những cơ sở sản xuất thủ công và vẫn giữ được nét tinh hoa của bánh trung thu truyền thống thì nhiều thương hiệu đã cho sản xuất công nghiệp, đa dạng hơn với đủ loại hương vị. Tuy vậy, những sản phẩm bánh trung thu được sản xuất hàng loạt này có chất lượng không thua kém gì so với các loại bánh truyền thống đâu nhé.
Tìm hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa của Tết trung thu
Chỉ cần gõ từ khóa “bánh trung thu” lên Google là bạn có thể tìm ra hàng loạt các vị bánh mới với những cái tên nghe lạ tai, như “bánh trung thu lava lê gừng mật ong, bánh trung thu nhân lava táo quế ủ đường, bánh trung thu anh đào, bánh trung thu kim sa, bào ngư, bánh trung thu nhân trái cây bắt mắt…”.
Hơn nữa, ngày xưa phải chờ tới sát ngày rằm tháng tám thì mới có bánh trung thu để ăn, còn ngày nay, các thương hiệu đã bày bán ngập tràn trên khắp các con phố ở Hà Nội, từ thời điểm cách trung thu hơn … 1 tháng.
Đọc thêm bài viết: Cách thưởng thức bánh trung thu để có hương vị ngon nhất
Quà tặng trung thu xưa và nay
Ngày xưa, cứ tới gần rằm tháng tám là trẻ con bọn tôi lại háo hức vô cùng. Tôi thường được bố mẹ khi thì mua cho bộ quần áo mới, khi thì được chọn nào là đèn ông sao, mặt nạ, trống đồ chơi. Tối đến, trẻ con chúng tôi tụ tập tại nhà văn hóa của xóm thì được tặng thêm bút, vở,… Toàn những món đồ đơn giản nhưng niềm vui thì không thể diễn tả thành lời.
Đến bây giờ, khi nhớ lại, tôi mới thấy được niềm hạnh phúc lúc đó giản dị và trọn vẹn đến nhường nào.
Thời nay, Tết trung thu đã thay đổi rất nhiều, các bố mẹ đã có hàng ngàn lựa chọn về quà trung thu để tặng con mình, kinh tế hiện giờ cũng tốt hơn nên trẻ con được tặng những món đồ đắt tiền như bộ lắp ráp, đồ chơi điều khiển từ xa, gấu bông,… Nhưng có lẽ, niềm vui con trẻ vẫn cứ tròn vẹn như trăng rằm tháng tám thôi, phải không nào?
Ngoài ra, không biết từ bao giờ, Trung thu cũng là dịp mà các doanh nghiệp tặng quà cho đối tác, khách hàng và nhân viên của mình, mà quà thì không chỉ tặng bánh trung thu, mà còn tặng thêm trà, hạt, trái cây sấy và thậm chí cả rượu.
Tham khảo danh mục hộp quà trung thu 2023 của Treegift
Có rất nhiều mẫu hộp bánh trung thu sang trọng, in họa tiết truyền thống bắt mắt được các đơn vị quà tặng sản xuất và phân phối trên thị trường. Dù sao, ngoài việc tri ân những người đã đồng hành thì đây cũng là cách mà các doanh nghiệp truyền tải và lưu giữ những giá trị văn hóa đáng quý này.
Mâm cỗ Trung thu truyền thống và hiện đại
Mâm cỗ Trung thu truyền thống thường chỉ có 5 loại hoa quả màu sắc đẹp mắt như dưa hấu, hồng đỏ, hồng ngâm, đu đủ, bưởi, táo… cùng bánh dẻo, bánh nướng hình con lợn, con cá. Nhà nào cầu kỳ hơn thì làm thêm chú cún lông xù được kết từ những tép bưởi.
Mâm cỗ ngày nay thường cầu kỳ và phong phú hơn với nhiều loại bánh kẹo, trái cây khác nhau.
Địa điểm vui chơi
Một chút hoài niệm thời thơ ấu ùa về trong tôi khi viết bài này. Tôi cùng bọn trẻ con trong xóm ăn mặc chỉnh tề, đeo mặt nạ Ngộ Không, tụ tập lại rồi cùng nhau rước đèn, xem múa lân, sau đó xếp hàng nhận quà mà trong lòng vui không tả xiết, dù chỉ là tấm vở, cuốn sách, cái bút, cái thước mà thôi.
Đêm xuống, đất trời ngập tràn ánh trăng vàng, trong khi trẻ con náo nhiệt thì người lớn trong xóm làng cùng nhau tụ họp uống nước chè xanh, cắt bánh trung thu, ngắm trăng và bày hoa quả, bánh kẹo, chuyện trò rôm rả, ngắm nhìn con trẻ vui chơi, rước đèn, múa Lân, trông trăng, phá cỗ…
Ngày nay, khi nhịp sống hiện đại thay thế dần văn hóa làng xã, nhà cửa mọc san sát nhau thì chắc chỉ ở vùng nông thôn may ra mới thấy được những điều đó.
Chắc bạn cũng không để ý, trung thu bây giờ là dịp lễ dành cho tất cả mọi lứa tuổi, mỗi lứa tuổi sẽ có cách hưởng thụ khác nhau. Người lớn thì dẫn trẻ con đến trung tâm thương mại, phố đi bộ, nhà hàng ăn uống.
Giới trẻ và các cặp đôi tận hưởng Trung thu bằng việc đi uống cafe, uống trà sữa, nhậu nhẹt, lượn phố, tham gia các sự kiện nhân dịp Trung thu, check-in,…
Các trò chơi Trung thu
Ngày xưa: Nhiều năm về trước, trẻ con bọn tôi thích nhất là được đeo mặt nạ Tôn Ngộ Không, ai mà có “combo” mặt nạ và gậy như ý đồ chơi là oai lắm. Rồi trẻ con nối đuôi nhau đi rước đèn ông sao, bám đuôi đoàn múa lân, chơi bịt mắt bắt dê, trốn tìm, rồng rắn lên mây, hát đồng dao, hò hét,…
Chà, bao giờ cho đến ngày xưa nhỉ!
Ngày nay: Đèn ông sao giấy đã được thay bằng nhựa, có đèn chạy bằng pin hoặc sạc, phát được cả nhạc. Hơn nữa, giờ trẻ con toàn ôm điện thoại, máy tính bảng, chơi điện tử, xe đụng, bowling, nhà bóng, đi xe lửa,… Các trò chơi truyền thống như bịt mắt bắt dê đã dần chìm vào quên lãng.
Không thể nhớ là bao lâu rồi tôi chưa được thấy một chiếc đèn ông sao truyền thống chất chứa nhiều ký ức đẹp thời thơ ấu. Ngày ấy, đèn ông sao thắp sáng bằng nến, nếu châm không cẩn thận là cháy hết cả đèn luôn.
Trung thu ngày nay chứa đựng những ý nghĩa mới
Ngày xưa, Tết đoàn viên mang đậm nét truyền thống, là dịp để gia đình quây quần và sum họp bên nhau.
Ngày nay, trung thu mang tính thương mại nhiều hơn. Nhưng nếu nhìn nhận một cách khách quan, chúng ta sẽ thấy được các doanh nghiệp khai thác thương mại luôn cố gắng truyền tải và lưu giữ những nét văn hóa truyền thống đáng quý của ngày Tết Đoàn Viên.
Dù quá nhiều sự khác biệt giữa trung thu xưa và nay thì đây vẫn là một ngày lễ lớn của Việt Nam, ngày mà chúng ta hướng về gia đình, đúng như tên gọi “Tết Đoàn Viên”.